Trang

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Một tập tục đáng quý của người Dao ở Kim Bôi

 xuất bản 04/11/2015,06:34 am
Kỳ 1: Nơi con người còn biết xấu hổ
Một cô gái bị phạt vạ, xấu hổ lắm nhưng vẫn phải mổ lợn, thổi cơm thơm khẩn cầu những người trong bản đến nhà ăn. Một người đàn ông bẻ trộm măng rừng phải giã gạo trắng phạt vạ để gột rửa nỗi nhục cho bản. Mỗi cây măng dù to, dù nhỏ cũng đều phải nộp phạt từ 5 đến 10 cân gạo.
Giờ thì cô Triệu Thị Mị đã có gia đình. Lạ ở chỗ, chồng cô chính là chàng trai đã khiến cô phải mổ lợn phạt vạ với bản. Thời gian đã qua 9 mùa cây rừng thay lá, nhưng cô giờ mỗi khi ra đường vẫn phải cúi gằm mặt, khăn nón che sùm sụp. Cô Mị vẫn còn xấu hổ từ khi phạm phải điều cấm kỵ của bản. Đứa con của Mị cũng đã lớn. Đó là kết quả của tình yêu giữa nơi núi rừng của bản người Dao bồng bềnh trong mây. 
Lớp học lẽ phải của người Dao ở bản Đằng Long
“Kể cả bây giờ, con gái chưa chồng mà chửa là có tội lớn với bản, phải phạt vạ. Hoặc ai đó chỉ cần ăn trộm cây măng thì cả họ chẳng còn mặt mũi nào mà nhìn người trong bản, xấu hổ lắm… ” - ông Triệu Văn Triển, người già của bản không muốn kể tiếp chuyện đã qua.
Ông Triển muốn ngắt câu chuyện buồn mà theo tục của bản người Dao ở Đằng Long, xã Bắc Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình, đó là điều xấu xa. Ông bảo, bây giờ chuyện trộm cắp, hay chửa hoang ở nơi khác có thể coi là bình thường, nhưng ở Đằng Long thì vẫn là chuyện nghiêm trọng lắm.
Cô Mị mếu máo cầu xin mọi người trong bản đến ăn cơm phạt vạ, bà con trong bản không ai dè bỉu hay chỉ trích cô mà chỉ nhắc cô về câu chuyện khai sinh lập địa cái tên bản Thung Chừa. Đó là thung lũng hoang vắng nằm khuất phía sau bản Đằng Long ngày nay.
Ở đó chỉ có mây mù nơi đồng bào Dao sinh sống bằng nghề săn bắn, bẫy thú rừng. Và ở đó là nơi có người con của bản làm điều xấu, khiến cả bản phải bỏ mà chuyển đến Đằng Long hôm nay. Kể từ đó bản có tên Thung Chừa.
Tai tiếng là điều người Dao sợ nhất. Ở bản làng người ta sống bằng tình, bằng nghĩa, bằng lẽ phải và văn hóa ngàn đời người đi trước vun đắp. Ai trót phạm phải “hương ước” của bản là điều ghê gớm, không ngẩng mặt lên được. Gia đình có người bị phạt vạ, phải hạ mình với làng bản, cầu cạnh nói khó với cả bản để người ta đến nhà ăn bữa cơm chứng giám cho sự ân hận về việc đã gây ra, để chừa.
Người Dao ở Đằng Long họ lấy xấu hổ làm lẽ sống, chỉ có thế cũng đủ làm nên mảnh đất thanh bình
Những câu chuyện đối nhân xử thế của người Dao trên góc núi đá huyện rẻo cao Kim Bôi làm tôi nghĩ mãi về một tập tục đáng trân trọng. Qua những ngày sống và ghi lại đời thường trong sinh họat của bà con trong bản thì thấy rõ hơn, phong tục là phần nhỏ, mà lòng tự trọng và lẽ phải là cốt yếu.
Ý thức và tình cảm ấy dường như có sức sống mãnh liệt trong tiềm thức của đồng bào, tự nhiên như cây trên núi, cá dưới khe. Tôi đã đi đến nhiều nơi, có những bản xa lắc đều đã thấy sự xuất hiện của sự du nhập văn hóa lai căng, mà biểu hiện rõ nhất ở đầu tóc và quần áo trong giới trẻ.
Còn ở bản Dao Đằng Long, gần Hà Nội hơn những nơi khác, nhưng cuộc sống vẫn thuần phác của một bản đồng bào Dao từ bao đời. Trọng khách, thật thà, lam lũ kiếm sống...  Trong mấy ngày ở bản, tôi gặp rất nhiều nam thanh nữ tú cỡ  tuổi “teen”, nhưng tiệt không thấy cô cậu nào có mái tóc xanh, đỏ như một số vùng núi khác. Chuyện phóng xe bạt mạng và lêu lổng lang thang cũng tuyệt nhiên không có.
Nhà ông Triệu Văn Triển và ông Triệu Văn Châu ở bản Đằng Long là điểm sinh hoạt văn hóa rất hữu ích. Buổi tối, cánh đàn ông con trai kéo đến dự một lớp học đặc biệt. Ông Triển bảo con trai, con gái hỗn thì khó lấy vợ gả chồng, nếu có cưới được thì người bản cũng không ai đến. Chính vì vậy, làm người của bản phải trọng lẽ phải, lớp học buổi tối nào cũng dậy, ngoài việc học chữ nôm của đồng bào Dao, còn học cả làm người. “Bài học luôn có phần dạy về lẽ sống, về đối nhân xử thế… ”.
Buổi học tôi chứng kiến có đoạn: “Cây muốn cong thẳng phải nắn từ nhỏ… hay ta mua được mọi thứ khi xuống chợ, nhưng cha mẹ thì không có chợ nào bán… ”. Đó là bài học làm người cốt yếu mà ta phải có. Còn những đứa trẻ ở bản đồng bào Dao, từ tuổi lên 10 cho đến 15, bao giờ cũng vậy, phải qua một lần “học” khác mới có thể thành người.
Đó là lễ cúng cấp sắc, sau lễ mới được công nhận chính thức làm người trưởng thành. Buổi lễ trịnh trọng kéo dài 3 ngày liên tiếp, để những đứa trẻ được thầy cúng dạy và chúng phải hằn in trong đầu về bài học làm người và những lẽ sống. Điều cốt yếu trong buổi lễ ấy là không bao giờ được phạm vào điều trái với đạo lý mà gây lỗi với bản, với họ tộc…
Họ sợ hứa hão. Họ sợ bị xấu hổ và họ biết xấu hổ đối với những điều không nên không phải, họ sợ bị phạt vạ khi mắc sai lầm hay có lỗi với bản. Chính vì thế, xấu hổ được xem như một “bộ luật” có sức mạnh vô hình mà bao đời nay, những con người ở bản nhỏ trên rẻo cao này lấy đó làm lẽ sống.
Kỳ sau: “Bộ luật” làm người
Sau những ngày tìm hiểu về nét văn hóa của bản người Dao ở Đằng Long, tôi về thành phố với suy nghĩ khập khiễng đến ngớ ngẩn. Ở non cao người ta thấy xấu hổ với núi rừng, với dân bản. Còn ở thành phố tìm sự xấu hổ trong con người giờ sao khó thế.
“Tôi sợ ở thành phố lắm, để cái gì cũng lo người ta lấy. Ở đây mà như thế thì mất hết cả bản rồi”. Trưởng bản Triệu Văn Tiến vui vẻ kể, một lần đi ra thành phố Hòa Bình, vào đâu cũng thấy người ta nhắc “để xe cẩn thận không thì mất ngay đấy”. Lạ nhỉ! Bản của anh không thế, họ không có thì thôi, chứ làm điều xấu thì xấu hổ lắm.
Cuộc sống bản Đằng Long nghèo túng không lo đứt bữa, họ chỉ sợ xấu hổ và bị bản phạt vạ thôi. Họ chấp nhận ăn củ sắn, củ mài chứ không bao giờ mảy may nảy lòng tham để rồi phải cúi mặt suốt đời không dám ngẩng mặt...
(Theo Báo An ninh Thủ đô)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét